Lăng mộ vua Thành Thái (An Lăng)
Vua Thành Thái lên ngôi lúc mới 10 tuổi. Là người có tư tưởng chống Pháp, vì vậy, sau 19 năm ở ngôi, dưới áp lực của Pháp, triều đình Huế lấy cớ nhà vua mắc bệnh tâm thần và buộc phải thoái vị, nhường ngôi cho con. Sau đó, ông bị Pháp đưa đi an trí ở Vũng Tàu. Năm 1916, ông bị Pháp đem đi đày ở đảo Réunion (Châu Phi). Năm 1947, ông được trở về sống ở Sài Gòn. Ông mất ngày 9 tháng 3 năm 1955, thọ 77 tuổi, an táng tại An Lăng, gần lăng mộ vua cha Dục Đức
Theo lời ông Vĩnh Giu, khi sang đến đảo, chính quyền Pháp bố trí gia đình hai cựu hoàng là Thành Thái và Duy Tân mỗi gia đình một biệt thự cùng các khoản phí sinh hoạt khác, nhưng với hai điều kiện: không được tự tiện ra sân bay, bến cảng và tất cả vật dụng trong nhà nếu hư hỏng phải báo cáo với toàn quyền để thay mới. Thượng hoàng Thành Thái không chấp nhận điều kiện trên nên chỉ ở trong hai năm, sau đó ông đưa gia đình ra ở tại một ngôi nhà gỗ rộng lớn ở bên ngoài.
Hoàng tử út Vĩnh Cầu thì cho biết nhà vua trong mọi hành động của mình đều bất hợp tác với Pháp. "Chú tôi (một cách gọi bố của người Huế - NV) không thích người Pháp nên ông không cho chúng tôi đi học trường Pháp, không cho giao thiệp với trẻ em Pháp, buồn lắm. Chúng tôi tự học chữ, đến lớp học nghề thợ nề, thợ mộc, thợ máy, chỉ chơi với người Tàu, người Chà Và, người bản xứ".
Cựu hoàng còn đề ra một số nguyên tắc bắt buộc gia đình phải tuân theo như: dịp lễ, tết phải mặc quốc phục, phải hành xử và noi theo một số phong tục của người Việt, và nhất là phải giữ gìn tiếng nói dân tộc.
Các vị hoàng tử cũng cho biết khoản trợ cấp lưu đày cho vua rất ít ỏi, nhưng cựu hoàng Thành Thái không bao giờ yêu cầu tăng thêm trợ cấp. Gia đình do đó sống rất chật vật, thậm chí vua từng lâm vào cảnh bị đòi tiền nhà, chủ đến đòi nợ...
Để nuôi sống cả gia đình đến hơn 20 người, nhà vua đứng ra mở tiệm may yên ngựa. Sản phẩm của vua vừa đẹp, vừa bền, lại rẻ được rất nhiều khách hàng bản xứ và người Tây tìm mua. Ông Trần Tiễn Dương, cháu của đại thần Trần Tiễn Thành trong lần được gặp cựu hoàng tại Réunion sau Thế chiến II, kể lại lời vua Thành Thái rằng: "(Người) Tây cứ hỏi tau yên ngựa ngài làm bằng chi mà tốt như ri? Thì mở ra là biết ngay mà hắn không dám mở, cứ hỏi hoài, dễ ghét!".
Người thủ từ An Lăng (lăng ba vua Dục Đức, Thành Thái, Duy Tân tại Huế) hiện là "mệ" Nguyễn Phước Bảo Hiền - cháu nội vua Thành Thái. Ông kể về giai đoạn vua Thành Thái vừa hồi hương: "Sau 31 năm bị lưu đày, năm 1947, nhờ sự vận động của vợ chồng bà công chúa thứ 16 là Lương Nhàn và ông luật sư Vương Quang Nhường, Ngài được về nước và sống tại Vũng Tàu, tôi nhiều lần từ Huế vào thăm và ở lại cùng Ngài.
Một lần, Quốc trưởng Bảo Đại cùng một vị tướng Pháp và phái đoàn Việt Nam cộng hòa, tổng cộng khoảng 40 người đến thăm. Bảo Đại lúc ấy tặng quà và rất nhiều tiền cho đức bác, nhưng Ngài chỉ chấp nhận nhận quà, còn tiền thì từ chối thẳng thừng. Ngài nói đại ý: "Đây không phải là tiền của cháu mà là tiền của nhà nước, cũng tức là tiền của dân, cháu cầm về mà dùng vào những việc có lợi cho dân!".
Đến năm 1953 Ngài mới được phép về Huế, tôi theo Ngài trong suốt một tháng trời, Ngài đi thăm rất nhiều bà con, các vị tiền bối và con cháu của những vị công thần của triều đình Huế ngày xưa. Vào lại miền Nam không lâu sau, vào ngày 24-3-1954, Ngài qua đời và được quốc trưởng và con cháu dòng tộc đưa về táng tại đây (An Lăng - gần lăng mộ vua Dục Đức)".
Theo Tuoi tre Online
Toàn cảnh khu lăng mộ vua Thành Thái (bên trái ) và lăng mộ vua Duy Tân (bên phải) trong An Lăng
Bi đình
Bình phong trước mộ
Mộ vua Thành Thái
Ảnh trên Internet
Nhận xét
Đăng nhận xét