Bộ tranh quý về triều Nguyễn chào bán tại Mỹ


TTCT - Một nhà sách ở Mỹ đang rao bán bộ sưu tập những bức họa về lễ phục tế Nam Giao thời Nguyễn. Mong sao các cơ quan chức năng ở Huế tìm cách hồi hương bảo vật này, không để mất như trường hợp một bức tranh của vua Hàm Nghi được đấu giá năm ngoái tại Pháp.

Tôi vừa nhận được email của TS Piere Baptiste, quản thủ Bảo tàng quốc
gia Guimet về nghệ thuật châu Á ở Paris (Pháp), báo tin nhà sách Eric
Chaim Klein ở Santa Monica, California, đang rao bán bộ sưu tập gồm
những bức họa thể hiện lễ phục tế Nam Giao thời Nguyễn.

Kèm theo
thông tin là website về bộ tranh (*) cùng bức thư do bà Laurent
Mazzotti, đại diện của Eric Chaim Klein Bookseller, gửi cho TS Piere
Baptiste với nội dung: “Nhận thức rõ những đóng góp quan trọng của Bảo
tàng Guimet cho các chương trình hỗ trợ việc bảo tồn và phát triển hằng
năm của các bảo tàng ở VN, chúng tôi gửi đến ông bộ sưu tập gồm những
bức họa duy nhất minh họa chi tiết lễ phục mà vua quan và binh lính của
triều đình An Nam mặc trong lễ tế Nam Giao, với các màu sắc rất sinh
động và trung thực.

Những họa phẩm này chưa từng xuất hiện, độc
đáo và hiếm thấy, đã được một người tên là Nguyễn Văn Nhân vẽ tại Huế
vào tháng 12-1902, đúng 100 năm sau ngày triều Nguyễn được thiết lập.
Chúng tôi bày tỏ mong muốn Bảo tàng Guimet quan tâm để mua lại các họa
phẩm này. Nếu không, chúng tôi vô cùng biết ơn việc (ông) thông báo lời
đề nghị này đến các tổ chức, cá nhân khác vì chúng tôi tin rằng việc này
có một vai trò quan trọng trong các bảo tàng hay trong thư viện công
cộng cũng như trong các sưu tập tư nhân”.

Bộ tranh có tên Lễ phục
của triều đình An Nam (Grande tenue de la Cour d'Annam) đang được Eric
Chaim Klein Bookseller rao bán với giá 35.000 USD, gồm 54 bức được vẽ
bằng màu nước hết sức sống động, tất cả đều trong tình trạng hoàn hảo.
Mỗi bức đều có chú thích bằng chữ Hán và chữ Pháp về chức tước, phẩm hàm
của những nhân vật được vẽ.

Qua email, TS Piere Baptiste gửi cho
tôi một số ảnh chụp từ bộ sưu tập này, trong đó có cả ảnh chụp chiếc
túi vải lanh đựng các bức họa, bên ngoài có dòng chữ Hán Hoàng phái sắc
phục tự thiên tử chí tôn thất cùng dòng chữ Pháp: Grande tenue de la
Cour d'Annam/ par Nguyễn Văn Nhân/ Biên-tu du Hàn-lâm en disponibilité/
Hué. Decembre 1902 (tác giả bộ tranh là Nguyễn Văn Nhân, biên tu Hàn lâm
viện của triều Nguyễn, tranh vẽ tại Huế năm 1902).

Một bức miêu tả nhà vua (có lẽ là vua Thành Thái, trị vì năm
1889-1907) đang ngự trên ngai vàng trong điện Thái Hòa, hai bên có hai
viên thái giám và hai hiệp lĩnh thị vệ đứng chầu, phía dưới có dòng chữ
Hán “Đại Nam hoàng đế sắc phục tại vị”, đồng thời ghi rõ chức phận của
những người trong tranh. Một bức khác vẽ nhà vua mặc xiêm và long cổn,
đi hia, đội mũ bình thiên, cùng các bồi tế, thị vệ và thái giám đang
chuẩn bị bước lên đàn tế Nam Giao.

Trong bức vẽ hai vị quan trong
lễ phục màu cam, đầu đội mũ ô sa ngồi đối diện nhau, ghi chú chữ Hán
cho biết họ là hai vị quan đứng đầu điện Đông Các (Đông Các đại học sĩ)
và điện Võ Hiển (Võ Hiển điện đại học sĩ), hàm chánh nhất phẩm. Lại có
bức vẽ một con voi có bành màu vàng thêu hình rồng cùng người quản tượng
mặc áo màu đỏ tía cưỡi trên đầu voi và ba người lính đi cạnh voi, với
ghi chú biết họ thuộc Kinh tượng vệ.

Từ năm 2004 đến nay, trong
các kỳ Festival Huế, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế luôn phục dựng
lễ Tế Giao nhưng gặp rất nhiều khó khăn khi phục chế lễ phục và tái hiện
không gian lễ hội.

Ngoại trừ 128 bộ lễ phục của 64 văn sinh và
64 vũ sinh biểu diễn điệu múa Bát dật đã được nhà nghiên cứu Trịnh Bách
phục chế một cách bài bản, các lễ phục của vua quan, hoàng thân, đình
thần, bồi tế, binh lính cũng như trang phục của voi, ngựa tham gia lễ tế
đều mượn từ các vai diễn của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình
Huế hoặc được phục chế một cách vội vàng và nặng tính tuồng chèo.

Đó
là một trong những lý do khiến nhiều nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa Huế
luôn phàn nàn lễ tế Nam Giao tái hiện ở Huế đã mất tính xác thực
(authenticity) của một lễ tế quan trọng nhất dưới thời Nguyễn.

TS TRẦN ĐỨC ANH SƠN

http://sanfordlsmith.wordpress.com/2...us-to-vietnam/
http://www.dztimes.net/post/life-sty...ale-in-us.aspx
http://www.klinebooks.com/cgi-bin/kline/index.html




Ảnh chụp chiếc nhãn dán ngoài chiếc túi vải có dòng chữ Hán (phiên âm): Hoàng phái sắc phục tự thiên tử chí tôn thất cùng dòng chữ Pháp: Grande Tenue de la Cour d'Annam / par Nguyễn Văn Nhân / Biên-tu du Hàn-lâm en disponibilité / Hué. Decembre 1902. Nội dung ghi trên nhãn này khẳng định các bức vẽ này do nguyên Biên tu Hàn lâm viện của triều Nguyễn là Nguyễn Văn Nhân vẽ tại Huế vào năm 1902 về lễ phục tế Nam Giao của triều đình Huế



Chiếc túi vải đựng các bức họa



Bức tranh miêu tả nhà vua (có lẽ là vua Thành Thái, trị vì từ năm 1889 đến năm 1907), đang ngự trên ngai vàng trong điện Thái Hòa, hai bên có hai viên Thái giám và hai vị Hiệp lĩnh thị vệ đứng chầu, phía dưới có dòng chữ Hán: Đại Nam hoàng đế sắc phục tại vị cùng các chữ Hán ghi rõ chức phận của những người trong tranh là Hiệp lĩnh thị vệ và Thái giám



Bức tranh vẽ nhà vua mặc xiêm và long cổn, đi hia, đội mũ bình thiên, cùng các bồi tế, thị vệ và thái giám, đang chuẩn bị bước lên đàn tế Nam Giao



Bức tranh vẽ hai người mặc lễ phục khác nhau, với hai sắc màu xanh dương và đỏ làm chủ đạo, đầu đội hai chiếc mũ tế khác nhau. Các chữ Hán 皇 親 (Hoàng thân) viết trên tranh cho biết đây là hai vị hoàng thân thuộc tôn thất nhà Nguyễn



Bức tranh vẽ hai vị quan trong lễ phục màu cam, đầu đội mũ ô sa ngồi đối diện nhau. Chữ Hán viết trên tranh Chánh nhất phẩm, Đông Các,
Võ Hiển cho biết đây là hai vị quan đứng đầu điện Đông Các (Đông Các
đại học sĩ) và điện Võ Hiển (Võ Hiển điện đại học sĩ) trong triều đình
Huế, hàm chánh nhất phẩm, vận lễ phục tế Nam Giao.




 Bức thứ bảy vẽ hình con voi có phủ bành bằng vải màu vàng, thêu hình viên long; một người quản tượng mặc áo màu đỏ tía cưỡi trên đầu voi và ba người lính đi bên cạnh con voi mặc binh phục, đội nón dấu, lưng thắt khăn với các màu sắc khác nhau. Chữ Hán trên bức tranh này cho biết họ là những người lính thuộc Kinh tượng vệ, được gọi bằng các danh xưng: Hiệp quản), Dương, Binh và Thanh minh

Nhận xét