Huế Xưa - Viện Cơ Mật
Ảnh đen trắng ngày nay lôi cuốn trở lại người xem bởi sức quyến rũ riêng của nó. Tuy nhiên, vào cái thời xa xưa, khi chưa có ảnh mầu, để tạo sự khác biệt sinh động và rực rỡ cho các bức ảnh, người ta đã sáng tạo ra nghệ thuật tô mầu ảnh đen trắng. Công việc này đòi hỏi khả năng sáng tạo, tính tỉ mỉ và tất nhiên, rất nhiều thời gian. Sản phẩm tạo ra phụ thuộc vào tay nghề và khả năng sáng tạo riêng của mỗi người.
Mầu tô được in dưới dạng cô đặc trên những trang giấy. Người làm ảnh cắt một mẩu mầu nhỏ ngâm vào nước sạch đựng trong những chiếc vỏ hến bé xíu, sau đó dùng bút lông cực nhỏ chấm nước mầu và nhẹ nhàng tô lên ảnh. Để thao tác được chính xác, người ta còn dùng cả kính lúp đeo vào một bên mắt. Độ đậm nhạt của mầu được điều chỉnh bằng việc tô đi tô lại nhiều lần. Người thợ mất một đến vài ngày để tô một bức ảnh, và đó thực sự là những tác phẩm tuyệt vời.
Nghệ thuật tô mầu ảnh đã biến mất cùng với sự xuất hiện của kĩ thuật làm ảnh mầu. Không ít người còn nhớ hình ảnh người thợ ảnh lúi húi tô ảnh bên chiếc bàn kê bên cửa sổ, thu hút đám trẻ tan trường tụ lại xem, ông chỉ xua chúng đi khi chúng quá ồn ào hay che lấp ánh sáng cần thiết cho công việc của mình.
Xin giới thiệu những bức bưu ảnh Huế đầu thế kỉ trước với phiên bản tô mầu.
Viện Cơ Mật - Tam Toà
(Theo http://www.hueworldheritage.org.vn)
Là cơ quan tư vấn của nhà vua gồm bốn vị đại thần từ Tam Phẩm trở lên, là Đại Học Sĩ của các điện Đông Các, Văn Minh, Võ Hiển và Cần Chánh. Thời vua Thành Thái có Thượng Thư Lục Bộ tham gia và viên Khâm Sứ Pháp làm chủ toạ. Thời vua Duy Tân đổi thành phủ Phụ Chính. Viện lúc đầu đặt ở nhà Tả Vu. Sau khi kinh đô thất thủ năm 1885 phải dời đi đến nhà của bộ Lễ, rồi bộ Binh, và cuối cùng là về chùa Giác Hoàng cùng với toà Giám Sát (của người Pháp) và Trực Phòng các bộ nên gọi là Tam Toà.
Di tích Viện Cơ mật - Tam tòa nay thuộc đường Tống Duy Tân, phường Thuận Thành, nằm ở phía Đông Nam của kinh thành Huế, nay là trụ sở của trung tâm bảo tồn đi tích Cố đô Huế. Đây là một di tích mang nhiều biến cố lịch sử với nhiều lần thay đổi cả về chức năng, kiến trúc và tên gọi.
Năm 1738, Chúa Nguyễn Phúc Khoát đã chọn nơi này để xây dựng thủ phủ Phú Xuân. Sau khi xây dựng xong thì đổi tên là Chính Dinh, và đến năm 1754 thì gọi là Đô Thành Phú Xuân - là trung tâm văn hóa chính trị xứ Đàng Trong của các Chúa Nguyễn cho đến năm 1775. Sau đó bị quân Trịnh chiếm đóng (1775 -1786), rồi trở thành kinh đô của triều đại Tây Sơn (1786 -1801). Năm 1802, vua Gia Long lên ngôi, mở ra một vương triều mới. Đồng thời Thủ phủ Phú Xuân cũng bị triệt giải và khu vực Tam Tòa hiện nay được dùng để xây chỗ ở cho Hoàng tử Đảm (sau này trở thành vua Minh Mạng).
Năm 1816, khi hoàng tử Đảm được phong Hoàng thái tử và chuyển về nơi ở mới ở phía đông kinh thành, nơi đây trở thành nơi ở của Hoàng tử Nguyễn Phúc Chẩn (em vua Minh Mạng), và về sau trở thành nơi ở của Nguyễn Phúc Thiện Khuê - con trai trưởng của Nguyễn Phúc Chẩn. Năm Minh Mạng thứ 20 (1839), khu đất này được lấy lại để xây chùa Giác Hoàng - ngôi chùa được vua Thiệu Trị xếp vào một trong 20 thắng cảnh của đất thần kinh thời bấy giờ.
Đến cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, sau khi Việt Nam mất hẳn chủ quyền vào tay thực dân Pháp, tòan bộ kiến trúc của chùa Giác Hoàng bị Pháp cho triệt giải để xây dựng Viện Cơ Mật (hoàn thành năm 1903) (tức Tam Tòa ngày nay). Tên gọi Tam Tòa là do dân gian đặt, vì trong khuôn viên này, ngoài công trình chính là Viện Cơ Mật, còn có hai dãy nhà hai bên. Dãy bên phải được xây làm văn phòng của các ông Hội lý người Pháp (Délégué) và dãy bên trái được xây làm Bảo tàng Kinh tế(Musée Eïconomique). Từ đó đến nay, di tích này không có gì thay đổi về mặt kiến trúc nhưng chức năng thì lại khác.
Từ 1955 đến 1975, dưới chế độ cũ, hai dãy nhà hai bên trở thành văn phòng của các cơ quan tư pháp địa phương (tỉnh Thừa Thiên và thành phố Huế), còn tòa nhà chính (tức Viện Cơ Mật) được dùng làm nơi xét xử các vụ án từ sơ thẩm đến thượng thẩm.Từ năm 1975 đến 1976, Ủy ban Quân quản Trị Thiên Huế đóng và làm việc tại khu vực này. Từ năm 1976 -1989, Tam Tòa trở thành trụ sở của Tỉnh ủy tỉnh Bình Trị Thiên, rồi Tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên Huế (1989 - 2000). Tháng 10/2000 đến nay, Tam Tòa được chuyển giao cho Trung tâm BTDTCĐ Huế quản lý.
Cổng vào Viện Cơ Mật. Góc chụp này cho thấy rõ giữa cổng (Tam quan) và tòa nhà chính Viện Cơ Mật có một bức bình phong xây bằng gạch, trang trí hoa văn tinh xảo.
Voi quỳ trước cổng Viện Cơ Mật
Cổng Viện Cơ Mật nhìn từ phía trong
Bình phong trước Viện Cơ Mật, một hạng mục kiến trúc có giá trị về nghệ thuật và phong thủy, không bị phá bỏ để làm sân, cột cờ.
để rồi ngày nay lại bỏ tiền ra để xây dựng lại (ảnh trên SkyscraperCity)
Tòa nhà chính của Viện Cơ Mật ở các góc chụp và thời gian khác nhau. Đây là nơi hội họp mỗi tuần 2 lần của Hội đồng Thượng thư Nam triều (Le Conseil des Ministres) dưới sự chủ tọa của viên Khâm sứ Pháp “để thảo luận những vấn đề chung”
Hãy để ý đến cách chú thích cho 3 bức bưu thiếp dưới đây. Habitation du président du conseil des ministres - Dinh thự của người đứng đầu Hội đồng Thượng thư Nam triều
Habitation du président du conseil de la famille royale - Dinh thự của người đứng đầu Hội đồng Hoàng tộc
Và Palais du Comat - Viện Cơ Mật. Cách diễn dịch khác nhau nhưng tựu chung chỉ Tôn Nhân phủ.
Tôn Nhân phủ là cơ quan quản lý nội bộ hoàng tộc thời
phong kiến Việt Na
m. Nhiệm vụ của phủ này là: trông nom sổ sách, ngọc
phả, đền miếu trong hoàng tộc; giải quyết các vấn đề có liên quan đến
các thân vương, công tử, công tôn,...
Tôn Nhân phủ bắt đầu có từ thời Trần, với tên gọi là Tôn Chính phủ, do
Đại Tôn Chính đứng đầu, giữ việc soạn gia phả hoàng tộc.
Từ thời Lê trung hưng, cơ quan này được gọi là Tôn Nhân phủ, trực tiếp
điều hành là Tôn nhân lệnh - một người trong hoàng tộc có cấp bậc cao
được vua cử.
Đời nhà Nguyễn, Tôn Nhân phủ chuyên trách các công việc của hoàng tộc,
từ việc chọn người kế vị đến việc cắt cử người hầu, do vua trực tiếp
điều hành, bên dưới là hội đồng Tôn Nhân phủ do một đại thần có uy tín,
cùng tả tôn khanh và hữu tôn khanh (người hoàng tộc) phụ trách.
Thời Pháp thuộc, từ năm 1897, Hội đồng Tôn Nhân phủ đặt dưới sự kiểm
soát trực tiếp của Toà Khâm sứ Trung Kỳ.
Những đứa con của chủ tịch Hội đồng Hoàng tộc (Tôn nhân phủ)
Chủ tịch hội đồng Hoàng tộc trong bộ triều phục
Cũng chú thích Bình phong trước Viện Cơ Mật
nhưng bức bình phong này khác hoàn toàn bức bình phong ở các bưu thiếp
trên, đích thực bức bình phong này ở đâu? Hãy chú ý đến phần cổng nhô vượt lên, họa tiết trên bức bình phong (với chữ đầu tiên dường như bị xóa có chủ ý) và hoa văn trên bờ tường rào.
Đó chính là Vương Thái Tử cung Tuyên Hòa - em trai vua.
Nhận xét
Đăng nhận xét