Cuộc đời thứ phi Mộng Điệp của cựu hoàng Bảo Đại


Copy from VnExpress

Ngày 26/6 tại Pháp, bà Mộng Điệp, thứ phi của vua Bảo Đại đã qua đời, thọ 87 tuổi. Dù có 3 người con với Bảo Đại, nhưng những năm cuối đời, bà thứ phi phải sống trong cô quạnh nơi đất khách.

Là người chuyên nghiên cứu về triều Nguyễn, nhà nghiên cứu Huế Nguyễn Đắc Xuân đã nhiều lần sang Pháp tìm gặp bà Mộng Điệp.

"Bà Mộng Điệp còn lưu giữ nhiều tài liệu quý về cựu hoàng Bảo Đại. Dù xa quê hương bà vẫn lo hương khói cho Đức Từ Cung và vua Bảo Đại trong chính căn nhà của mình trên đất Pháp", ông Xuân nói.

Mong Diep


Chân dung bà thứ phi Mộng Điệp. Ảnh tư liệu: Nguyễn Đắc Xuân.

Theo ông Xuân, sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh mời cựu hoàng Bảo Đại ra Hà Nội làm cố vấn cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Một trí thức ở đây đã sắp xếp cho bà Mộng Điệp gặp Bảo Đại.

Sinh năm 1924 tại Bắc Ninh, bà Điệp từng có một đời chồng, một con trai. Nhưng nhan sắc mặn mà của người phụ nữ Kinh Bắc đã khiến cựu hoàng vội quên lời hứa "một vợ một chồng" với hoàng hậu Nam Phương. Lời hứa này đã được ông thực hiện suốt thời gian ngồi trên ngai vàng (1932-1945).

Cựu hoàng và bà Mộng Điệp về chung sống tại căn hộ số 51 đường Trần Hưng Đạo. Tháng 3/1946, cựu hoàng Bảo Đại được Hồ Chủ tịch cử sang Trung Quốc và lưu lại nước ngoài trong một sứ mệnh ngoại giao. Ở Hà Nội bà Mộng Điệp sinh hoàng nữ Phương Thảo.

Bà đã cùng bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đem tiền vàng sang Hong Kong cho Bảo Đại tiêu dùng và về lại Việt Nam trong hoàn cảnh chuẩn bị chiến tranh. Khi Pháp chiếm Hà Nội bà bị bắt, nhưng nhờ sự phản đối của cựu hoàng Bảo Đại ở nước ngoài nên bà được trả tự do.




Bà Mộng Điệp và Cựu hoàng Bảo Đại khi ở Hà Nội. Ảnh tư liệu: Nguyễn Đắc Xuân.

Ở nước ngoài, không chịu được thử thách của hoàn cảnh Bảo Đại trở lại cộng tác với Pháp năm 1948, làm Quốc trưởng Chính phủ Quốc gia. Năm 1949, bà Mộng Điệp được đón lên Đà Lạt, rồi lên Buôn Mê Thuột giúp tổ chức đời sống cho cựu hoàng ở Tây Nguyên.

Quãng thời gian ở Buôn Mê Thuột (1949-1953) là những tháng ngày bà Mộng Điệp và cựu hoàng Bảo Đại sống
hạnh phúc nhất. Nhờ tài tổ chức đời sống, tháo vát, biết lái xe hơi, cưỡi voi, đi săn nên bà rất hợp với ông vua thích săn bắn.

Mặc dù làm vợ thứ và không được tổ chức cưới xin nhưng nhờ chăm lo việc thờ cúng tổ tiên của hoàng tộc rất chu đáo nên bà Mộng Điệp luôn được Đức Từ Cung quý mến. Bà cũng được
ban áo mũ để thay mặt Hoàng hậu Nam Phương trong các cuộc tế lễ (vì bà
Nam Phương là người theo Thiên Chúa giáo).

Năm 1953, bà được Bảo Đại giao
nhiệm vụ mang cặp ấn kiếm và một số báu vật của triều Nguyễn qua Pháp giao cho Hoàng hậu Nam Phương. Hoàn thành nhiệm vụ nhưng do chiến tranh ác liệt, bà ở lại luôn bên đó.

Trên đất Pháp, bà tiếp tục có với Bảo Đại hai người con trai, đặt tên là Bảo Hoàng (sinh được một năm thì mất) và Bảo Sơn. Cuộc sống nơi đất khách có lúc khó khăn về kinh tế nhưng bà sống tự lập, không nhờ vả đến sự giúp đỡ của chính phủ Pháp.




Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân hỏi chuyện bà Mộng Điệp khi còn sống.

Khi cựu hoàng Bảo Đại đi theo
những tình nhân và những cuộc vui thì chính các con là nguồn hạnh phúc
lớn nhất với bà. Thế nhưng Bảo Sơn, người con bà Mộng Điệp yêu quý và tự
hào nhất khi tốt nghiệp các trường mũi nhọn kỹ thuật của Pháp lại bị
tai nạn năm 1987, khi mới ngoài 30 tuổi. Con gái Phương Thảo thì bị bệnh
tim, suýt chết nhiều lần.

Trong phòng khách của bà ở quận 12, Paris lúc nào cũng được trang trí một bức tranh lớn do họa sĩ người Pháp vẽ vua Bảo Đại khi ông mới lên làm vua cùng nhiều đồ cổ của nhà Nguyễn. Trên bàn thờ tổ tiên, ở vị trí trung tâm, bà Mộng Điệp dành thờ bà Từ Cung, vua Bảo Đại và hai người con trai của mình. Nhưng quan trọng nhất là tờ giấy quy y Phật giáo của vua Bảo Đại (quy y tại chùa Bảo Quốc Huế).

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cho biết,
những năm tháng cuối đời, bà Mộng Điệp sống trong cô quạnh. Bà từng mong
được về sống tại quê nhà để khi khuất núi sẽ được táng gần lăng mộ Đức
Từ Cung ở Huế, nhưng cuối cùng không thực hiện được.

Mới đây, bà bị ngã
gây chấn thương ở cổ. Khi phẫu thuật tại Bệnh viện Saint Antoine, các
bác sĩ phát hiện bà bị bệnh tim nên cuộc phẫu thuật không thành công. Bà
qua đời lúc 12h trưa chủ nhật 26/6, thọ 87 tuổi.

Bà sẽ được an táng tại nghĩa trang Thiais ở Paris, nơi có mộ phần của hai người con trai vào sáng 1/7.

Tại Việt Nam, vào 10h sáng mai, Phủ Kiên Thái Vương (Huế) sẽ tổ chức lễ cầu siêu cho bà.

Văn Nguyễn


Cuộc đời thứ phi Mộng Điệp



Bà Mộng Điệp ở Hà Nội trước khi lấy vua Bảo Đại. Ảnh do nhiếp ảnh gia Võ An Ninh chụp.



Bà Mộng Điệp được bà Từ Cung trao áo mũ đảm nhận việc lo hương khói cho Hoàng tộc.



Bà thứ phi Mộng Điệp ngồi trước biệt điện ở hồ Lak.



Bà Mộng Điệp (bìa phải) cùng vua Bảo Đại (đứng giữa) trong một chuyến đi săn tại Buôn Mê Thuột



Bà Mộng Điệp ngồi chụp ảnh tại Nha Trang.



Bà Mộng Điệp và bà Từ Cung trong chuyến xây chùa Khải Đoan tại Buôn Mê Thuột.



Bà Mộng Điệp chụp với cựu hoàng Bảo Đại tại Pháp.



Bà Mộng Điệp tại phòng khách của mình ở quận 12 Paris, phía trên là bức tranh vẽ cựu hoàng Bảo Đại khi mới lên ngôi.



Bà Mộng Điệp trước bàn thờ của gia đình thờ Đức Từ Cung, vua Bảo Đại và hai con trai của mình.


Nguyễn Đắc Xuân

Nhận xét