Huế Xưa - Cầu Trường Tiền
Cầu cong như chiếc lược ngà
Sông dài mái tóc cung nga buông hờ
Đôi bờ đôi cánh tay vua
Cung nga úp mặt làm thơ thất tình
Thi sĩ Nguyễn Bính đã ví như thế về cây cầu duyên dáng yêu kiều bắc qua dòng Hương Giang thơ mộng. Nhưng như một định mệnh khắc nghiệt, theo
dòng chảy thời gian, cầu Trường Tiền trầm luân cùng xứ Huế trong những biến động của lịch sử, của chiến tranh.
Căn cứ bài thơ Thuận Hóa thành tức sự của nhà thơ Thái Thuận, thi sĩ Quách Tấn đã cho rằng dưới thời vua Lê Thánh Tôn, sông Hương đã có cầu. Và chiếc cầu đó, được làm bằng song mây bó chặt lại với nhau và nối liền nhau, nên có tên là cầu Mây. Rồi vì cầu có hình cái mống úp lên sông, nên còn có tên là cầu Mống. Trải bao năm tháng, không biết khi nào, cầu Mống được làm lại bằng gỗ, mặt cầu lát bằng ván gỗ lim.
Bức ảnh này chú thích là cầu qua sông Hương, nhưng không chắc chắn là cầu Trường Tiền vì cầu có 7 vài
Năm Thành Thái thứ 9 (1897), chiếc cầu trên được nhà cầm quyền Pháp (khi ấy Khâm xứ Trung Kỳ là Levécque) giao cho hãng Eiffel (Pháp) thiết kế (do Gustave Eiffel thiết kế) và khởi công xây dựng lại bằng sắt, đến năm Thành Thái thứ 11 (1899) thì hoàn thành và được mang tên vị vua này. Tổng cộng tiền xây cầu Thành Thái tiêu tốn hết khoảng 400 triệu đồng, là một số tiền lớn vào thời đó. Cầu được xây dựng với hình dáng sáu vài vòng cung bằng thép, mặt cầu lát gỗ lim.
Khi dự lễ cùng Khâm sứ Trung kỳ Levécque, thấy thấy sàn cầu được làm bằng gỗ, vua Thành Thái bèn hỏi viên Khâm sứ tuổi thọ của cầu sẽ được bao lâu? Viên Khâm sứ kiêu hãnh trả lời: “Khi nào cái cầu này gãy thì nhà nước bảo hộ sẽ trả lại nước Nam cho bệ hạ”
Trong loạt ảnh với chú thích Cầu Thành Thái bên dưới, những bức của hãngGuerin có lưu bút của người sử dụng từ năm 1903 - 1904 cho biết ảnh được chụp trước trận bão lớn ở Huế ngày 11/09/1904.
Từ cầu đi xuống là đường Hùng Vương (thời Pháp thuộc là Légation), ngôi nhà cuối cầu là khách sạn Morin bây giờ. Nền cầu làm bằng gổ như sử sách đã viết.
Sông Hương và cầu Thành Thái
Ngày 11/09/1904 (Nhâm Thìn) một cơn bão mạnh tràn qua, thổi bay 4 vài xuống sông Hương. Nhân một buổi Khâm sứ Levécque vào Hoàng thành yết kiến, vua Thành Thái nhắc lại chuyện cũ: “Hôm khởi công cây cầu, ông nói khi nào cầu này gãy thì nhà nước bảo hộ sẽ trả lại nước An Nam cho tôi. Nay cái cầu đã gãy rồi đó”.Viên Khâm sứ chống đỡ: “Chuyện cái cầu bị gãy là do cơn bão quá mạnh chứ đâu phải là do con người”
Cầu Trường Tiền sau cơn bão. Bốn vài bị quật đổ, vài còn lại nằm phía bên Khách Sạn Morin.
Hai năm sau, tức năm Thành Thái thứ 16 (1906), chiếc cầu mới được sửa chữa lại bằng xi măng cốt thép, trong dân gian có câu:
Chợ Đông Ba đem ra ngoài giại
Ơi người lỡ hội chồng con
Về đây gá nghĩa vuông tròn nước non
Tấm post card có nhật ấn 1909
Chi tiết kết cấu sắt trong cầu và ngọn đèn chiếu sáng
Lan can bờ kè dưới sông có cùng họa tiết với lan can trên cầu
Sau khi vua Thành Thái bị thực dân Pháp đày sang đảo Réunion, chính quyện bảo hộ cho đổi tên thành cầu Clémenceau, theo tên của Georges Clemenceau, vị Thủ tướng Pháp thời Thế chiến thứ nhất. Những hình ảnh dưới đây đều mang chú thích Pont Clémenceau
Tất cả các bức ảnh dưới đây có chung một chi tiết: phía trên, ở chính giữa các vài cầu có lắp đặt một hệ thống giống như dàn đèn chiếu sáng
Đến năm 1937, dưới triều vua Bảo Đại, cầu được mở rộng thêm hai hành lang ở hai bên, dành cho người đi bộ, xe đạp và những bao lơn (ban công) hình bán nguyệt được tạo ra ở 5 trụ cầu giữa 2 vai để có chỗ dừng chân, hay né tránh nhau.
Từ tháng 3-1945, chính quyền Trần Trọng Kim đổi tên là cầu Nguyễn Hoàng, vị tiên chúa có công khai phá vùng đất Thuận Hóa. Tuy nhiên trong suốt chiều dài lịch sử đến ngày nay, người dân Huế và người Việt đều gọi theo tục danh là Trường Tiền - theo tên bến đò cũ ở điểm đầu cầu phía bắc, cạnh xưởng đúc (trường) tiền của triều đình.
Năm 1946, theo chủ trương “tiêu thổ kháng chiến”, cầu bị Việt Minh đặt mìn, giật sập hai nhịp phía tả ngạn. Hai năm sau cầu được tu sửa tạm để qua lại. Đến năm 1953 việc tái thiết nguyên dạng mới được thực hiện hoàn chỉnh. Dân gian có câu ca:
Cầu Trường Tiền bấy nhiêu niên qua lại
Kể từ đời Thành Thái đến nay
Chạnh lòng biết hỏi ai đây
Việc chi nên nỗi dang tay đứt cầu?
Lần sập thứ ba của Trường Tiền là vào Tết Mậu Thân 1968. Để cắt đường tấn công của đối phương, quân giải phóng miền Nam cho giật sập hai vài cầu số 3 và 4. Một chiếc cầu phao tạm thời được thiết lập cho người qua sông. Hai năm sau được chính quyền đương thời cho thay thế bằng một vài cầu gỗ. Và hình ảnh cầu Trường Tiền “thương tật chiến tranh” với 12 nhịp nhưng chỉ có 5 vài đã tồn tại đến năm 1991.
Không ảnh cầu Tràng Tiền với vài số 3 và 4 bị giật sập lúc 5:30 sáng 7/2/1968
Người dân dùng thuyền chạy nạn
Một chiếc cầu phao đơn sơ ghép bằng những chiếc thuyền được dựng tạm
Ảnh của nhà báo Nhật Sawada chụp ngày 17-2-1968
Sự kiện Tết Mậu Thân để lại trong kí ức người Huế nhiều nỗi đau. Nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng viết bài hát Chuyện một chiếc cầu đã gãy để nói lên sự việc này, với những câu :
...Cầu thân ái đêm nay gẫy một nhịp rồi
Nón lá sầu khóc điệu Nam Ai tiếc thương lời vắn dài
Vì sao không thương mến nhau còn gây khổ đau làm lỡ nhịp cầu...
Cầu Trường Tiền năm 1991. Hai nhịp gãy vẫn chưa được xây lại
Mãi đến năm 1991 cầu được chính thức khởi công sửa chữa khôi phục.Từ năm 1991 đến 1995, công ty Công ty Cầu 1 Thăng Long lãnh trách nhiệm trùng tu, xây lại hai nhịp cầu, đổi màu cầu từ màu dụ bạc sang màu lam. Tất cả các bao lơn cũng bị phá bỏ. Trước đây mặt cầu rộng 6m20, nhưng sau khi sửa chữa xong, chỉ còn 5m40, cho nên chỉ có xe loại nhỏ mới qua lại cầu được.
Cám ơn bạn đã sưu tầm! Rất đẹp và ý nghĩa!
Trả lờiXóa