Bí mật về cái chết và ngôi mộ của Hùm thiêng Yên Thế! (3)

(VH)- LTS: Đầu tháng 4 vừa qua tại Hà Nội, UBND tỉnh Bắc Giang đã phối hợp với Hội KHLSVN tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề không gian, thời gian và nơi yên nghỉ cuối cùng của anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám.

Cuộc tọa đàm đã thu hút sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu, khoa học lịch sử, chính quyền địa phương (huyện Yên Thế) và hậu duệ của cụ Đề Thám. Tại đây, nhiều tư liệu mới về cuộc khởi nghĩa Yên Thế, thân thế và sự nghiệp của anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám... được công bố, tạo sự đồng thuận cao.

Tuy nhiên, một vấn đề mà ai cũng quan tâm và cần được lý giải thấu đáo là những bí ẩn đằng sau sự ra đi của người anh hùng dân tộc, bởi cho đến nay sau hơn một thế kỷ trôi qua câu chuyện này vẫn hiện tồn nhiều nhận định khác nhau, chưa tạo được sự thống nhất cao. Thêm nữa, nơi yên nghỉ cuối cùng của “Hùm xám Yên Thế” ở đâu vẫn chỉ mới dừng lại giả thiết. Để góp phần vén lên bức màn bí ẩn này, bắt đầu từ số báo này Văn Hóa đăng tải những bài viết của TS Khổng Đức Thiêm (Viện Lịch sử Đảng), người đã có 30 năm nghiên cứu về vấn đề được đề cập ở trên. Chúng tôi rất mong nhận được ý kiến hồi âm của bạn đọc, đặc biệt là những nhà nghiên cứu, khoa học trong lĩnh vực này.

Bài 1: Thời gian, không gian, địa điểm yên nghỉ của Đề Thám mở rộng một cách khác thường

Tính đến ngày 1.12.1909, ngày bà Ba Cẩn bị bắt, Hoàng Hoa Thám chỉ còn hai thủ hạ đi theo (theo lời cung của 4 nghĩa quân Yên Thế ra hàng Bonifacy ngày 6.12.1909). Ông đã bí mật về nương náu tại mỏm cao 28 mà nhân dân địa phương quen gọi là Ngàn Ván hoặc đồi Yên Lễ (nay thuộc xã Dương Lâm, Tân Yên, Bắc Giang), tạm ngừng tất cả các hoạt động về quân sự...

1. Cũng khoảng thời gian này, nhà cầm quyền Pháp đã bắt đầu tính toán đến khả năng tiêu diệt Hoàng Hoa Thám bằng các thủ đoạn khác ngoài vũ lực. Trong một báo cáo gửi Toàn quyền Đông Dương đề ngày 15.9.1909. Thống sứ Bắc Kỳ là Simoni nói rõ: “Tướng giặc đầu hàng là Lương Tam Kỳ ở Chợ Chu đã xuống Hà Nội và trình diện tôi, cùng đi theo có ngài Công sứ Thái Nguyên và con trai (thực ra là con nuôi) của Kỳ là Lương Văn Phúc... Đặc biệt, y đã đột ngột xin được đem hết sức mình trợ lực chúng ta trong việc đánh dẹp Đề Thám đang ẩn nấp ở vùng Chợ Chu”. (Theo Đinh Xuân Lâm – Nguyễn Phan Quang: Xung quanh cái chết của Đề Thám, Nghiên cứu Lịch sử, 2.1983).

Không rõ sự tác động của Lương Tam Kỳ đối với thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa Yên Thế đã diễn ra như thế nào, nhưng theo Paul Charle trong cuốn Giặc Hoàng Thám xuất bản tại Paris năm 1933, cho biết vào tháng 7.1911, Đề Thám xin hàng. Toàn quyền Đông Dương A.Sarraut, sau khi nhận được thư xin quy thuận của Đề Thám, ngày 15.7.1911 đã từ chối chấp nhận vì “Đây là vấn đề uy tín và ông ta biết lợi dụng những bài học của quá khứ. Nếu được ra hàng thì Đề Thám sẽ thông qua cái vẻ trung thành bên ngoài để thu hút thêm đồ đảng và mọi người sẽ lại nói, quan lớn Đề Thám là bất khả xâm phạm, không ai có thể đánh thắng, chứng cớ là Chính phủ đã phải điều đình với quan lớn”.

2. Paul Charle còn cho biết ngày 12.3.1912 và tháng 6.1912, Hoàng Hoa Thám lại hai lần viết thư xin đầu hàng (theo Boutchet, trong Ở Bắc Kỳ - cuộc đời phiêu lưu của Hoàng Hoa Thám, tháng 1-1912, khi ông ta làm Đại lý Nhã Nam cũng nhận được một thư xin đầu hàng của Đề Thám). Paul Charle còn cho biết thêm rằng, các cuộc giám sát đã vạch ra: Đề Thám đã liên lạc được với Vương Sam - người đang tích cực tuyển mộ tay chân cũ của Lương Tam Kỳ và các phu mỏ gần Lang Hít tỉnh Thái Nguyên để trợ giúp binh lực cho Hoàng Hoa Thám, do đó Toàn quyền Đông Dương càng quyết tâm dùng đủ mọi biện pháp để thanh toán các trở lực đó.

Trong một báo cáo gửi Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Pháp, A.Sarraut chỉ rõ: tháng 9.1912, Lương Tam Kỳ đã lôi kéo được Vương Sam phản lại Đề Thám, đầu thú Chính phủ, cung cấp nhiều chi tiết cụ thể về Yên Thế, vì vậy ông ta đã cùng Thống sứ Bắc Kỳ nhất trí cơ hội sử dụng Lương Tam Kỳ vào việc bắt Đề Thám. Tháng 12.1912, Lương Tam Kỳ sai Lương Văn Phúc lúc đó đang giữ chức Tri huyện ở Thái Nguyên phối hợp với Thống sứ Bắc Kỳ nhằm bắt sống Đề Thám giao nộp cho nhà chức trách Pháp. Theo thỏa thuận, Lương Tam Kỳ sẽ phái các thủ hạ vào ở cạnh hoặc gần sát với Đề Thám để bắt liên lạc rồi lợi dụng một cơ hội thuận lợi để bắt sống, mang nộp tại đồn binh Pháp gần nhất tùy theo nơi bắt cóc, có thể là Nhã Nam hay Kép (theo Đinh Xuân Lâm - Nguyễn Phan Quang) và ngày 10.2.1913 là hạn cuối cùng “ấn định các chỉ điểm phải về Hà Nội” (theo Bonnafont, Tương lai xứ Bắc Kỳ, số ra ngày 12.2.1913).

3. Lương Tam Kỳ đã phái 3 thủ hạ, mang theo một vài khẩu súng cũ và những lời hứa hẹn để tiếp cận với Hoàng Hoa Thám và chắp nối được với Lý Bắc - còn gọi là Lý Ón, một người có uy tín đối với nghĩa quân Yên Thế, ngụ ở làng Dĩnh Thép được bao quanh bằng những cánh rừng đại ngàn. Sau bữa cơm rượu ở nhà Lý Bắc diễn ra vào đêm mồng 4 Tết năm Quý Sửu, Đề Thám và hai cận vệ trở về nơi trú ngụ ở Hố Lẩy trong khu rừng Tổ Cú. Sáng mồng 5 Tết (10.2.1913), họ bị 3 tên thủ hạ của Lương Tam Kỳ sát hại, đem đầu ra đồn binh Nhã Nam lĩnh thưởng. Giới cầm quyền Pháp chớp lấy cơ hội, liền cho bêu "đầu Hoàng Hoa Thám" ở trước Phủ đường Yên Thế để rộng đường dư luận.

4. Sự kiện Hố Lẩy và cuộc bêu đầu ở Nhã Nam đã tạo ra những phản ứng khác nhau. Ông Lý Đào, một cận vệ cũ của Hoàng Hoa Thám sau khi đi xem về nói với con cháu rằng, ông thường cắt tóc cho thủ lĩnh nên biết đầu của thủ lĩnh có một đường gồ chạy từ trán lên đỉnh đầu, trên khuôn mặt có bộ râu ba chòm, nhưng cái đầu cắm ở Phủ đường không có đường gồ, cằm không có râu. Ông Giáp Văn Phúc, còn gọi là Cai Cờ, cũng xác nhận với con cháu hôm 29 tháng Chạp năm Duy Tân lục niên (4.12.1913), Hoàng Hoa Thám còn về làng Lục Giới bảo hộ một món tiền của mấy gia đình (ông Thiện 50 đồng, bà Tám và bà Lộc mỗi người 10 đồng) hẹn khi nào khôi phục xong sẽ trả, do đó thời gian xảy ra sự việc trên, thủ lĩnh không có mặt ở Yên Thế.

Dân làng Lèo thì cho rằng, cái đầu kia là của sư ông trụ trì ở chùa làng mình, vì sư ông có dung mạo khá giống với Hoàng Hoa Thám, không thấy xuất hiện từ hôm đó, có lẽ bị giết để thế chỗ.
Nhiều quan lại cũng cho rằng Hoàng Hoa Thám không thể bị giết tại Hố Lẩy mà có thể đã qua đời trước đó, do bị thương hoặc ốm đau, bệnh tật. Đa số người dân cho rằng Hoàng Hoa Thám vẫn còn sống trong vùng Yên Thế, mãi sau này mới chết vì già yếu. Việc nhà cầm quyền Pháp chỉ cho bêu đầu tại Nhã Nam có 2 ngày rồi vội vã cho tẩm dầu, đốt thành tro đem đổ xuống ao hay việc họ không cho công bố ảnh thủ cấp những người chống lại bị chém giết càng khiến cho mối ngờ vực ngày càng trở nên sâu rộng. Thời gian, không gian, địa điểm yên nghỉ cuối cùng của người anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám vì thế mà mở rộng một cách khác thường. Về mặt thời gian nó vượt lên trước vài năm hoặc lùi về sau thời điểm Sự kiện Hố Lẩy hàng chục năm. Về mặt không gian, ngoài vùng Yên Thế cũ, nó lan sang Hiệp Hòa, Hữu Lũng hoặc các tỉnh Lạng Sơn, Hòa Bình, Thanh Hóa; thậm chí sang cả Trung Quốc, do đó nơi yên nghỉ cuối cùng cũng di chuyển theo, những nơi được hậu duệ sau này cất công tìm kiếm nhiều nhất là làng Chũng, nơi Hoàng Hoa Thám gắn bó nhiều năm trong cuộc đời của mình, nơi được cho là nơi chôn cất ông vào mùa hè những năm 30 của thế kỷ XX.

Do độ mở về thời gian, không gian như đã kể trên, trước khi đi vào một hướng tiếp cận mới, tôi xin phác qua những hướng tiếp cận đã được tiến hành có sự kết hợp giữa những ước đoán dân gian với khả năng tiếp cận tâm linh đã diễn ra hàng chục năm trở lại đây, chưa mang lại kết quả như sự mong muốn, để có thể loại trừ hoặc tìm ra hướng đi khác.

(Còn tiếp)

TS Khổng Đức Thi

Nhận xét