Ải Nam Quan trong hiện tại (4)
4. Lai lịch bất minh của Tòa nhà kiểu Pháp (French-style building)
Mãi cho đến gần đây, hầu như tất cả các tấm ảnh chụp Hữu Nghị Quan đều giống như tấm ảnh chúng ta thấy sau đây (ảnh 25), nghĩa là chỉ nhìn thấy cửa quan, không nhìn thấy toàn cảnh như trong các tấm ảnh của thời Pháp thuộc.
Mãi cho đến gần đây, hầu như tất cả các tấm ảnh chụp Hữu Nghị Quan đều giống như tấm ảnh chúng ta thấy sau đây (ảnh 25), nghĩa là chỉ nhìn thấy cửa quan, không nhìn thấy toàn cảnh như trong các tấm ảnh của thời Pháp thuộc.
Ảnh 25: Hữu Nghị Quan ngày nay
Thấp thoáng phía sau cổng Hữu Nghị là một công trình kiến trúc mà phía Trung Quốc gọi tên tiếng Anh là Tòa nhà kiểu Pháp (French-style building), nhưng trong tiếng Việt lại có cái tên hết sức hấp dẫn là “Lầu thành kiếu Pháp”, hoặc có khi còn gọi là “Lâu đài kiểu Pháp” hay “Pháp Quốc Lầu” (ảnh 26).
Lầu thành kiểu Pháp” từ đâu mà có? Tại sao một công trình kiến trúc xây trên đất Trung Hoa lại có phong cách kiến trúc kiểu Tây phương với đường nét tương tự như những tòa nhà được xây dưới thời thuộc địa mà chúng ta thường nhìn thấy trong một số thành phố ở Việt Nam?
Ảnh 26: Tòa nhà kiểu Pháp (French-style building)
Lời giới thiệu Hữu Nghị Quan đăng trên một trang mạng “hợp tác” giữa Trung Quốc và Việt Nam có tên là Trung-Việt (www.sinoviet.com) cho biết lai lịch của công trình kiến trúc này như sau: “Năm Quang Tự đời Thanh, tri phủ Thái Bình Cam Nhữ Lai tái dựng lại lầu ải bằng một kiến trúc lâu đài kiểu Pháp (Pháp Quốc Lầu), dỡ bỏ Miếu Quan Đế và Đền Chiêu Trung. Sau này tuy có tiến hành nhiều lần tu bổ, nhưng vẫn giữ nguyên mạo diện Pháp Quốc Lầu. Trong thời kỳ chiến tranh chống Nhật, thành lầu lại bị phá hủy, nay chỉ còn lại tầng dưới tức là cổng thành hình vòm.”[1]
Ảnh 27: Bảng quảng cáo “Lầu thành kiểu Pháp”
Căn cứ vào nội dung của một tấm bảng quảng cáo được dựng tại khu vực Hữu Nghị Quan (ảnh 27), người ta được biết: Tòa nhà kiểu Pháp (hoặc Lâu đài Pháp Quốc) được xây dựng vào năm Quang Tự thứ 22 (1896), dựa theo thiết kế của các kỹ sư người Pháp. Tòa nhà này là trụ sở của “Sở quân sự và ngoại giao tại Trấn Nam Quan” (Zhennan Pass Military anh Foreign Affairs Agency) do chính phủ nhà Thanh thành lập; cơ quan này chịu trách nhiệm về các vấn đề ngoại giao và an ninh công cộng tại địa phương[2]. Không xa tòa nhà là Đền Quan Công và một ngôi miếu để tưởng nhớ những người đã ngã xuống trong việc bảo vệ Trấn Nam Quan vào năm 1885. Cũng dựa theo tấm bảng quảng cáo, cả hai công trình (tức ngôi đền và ngôi miếu) đều “đã bị cháy trong cuộc chiến tranh kháng-Nhật”.
Ảnh 28: Ải Nam Quan nhìn từ phía Trung Quốc
Sự thật là như thế nào? Vua Quang Tự (1869 – 1908) là vị Hoàng đế thứ 11 của nhà Thanh trong lịch sử Trung Hoa. Ông trị vì từ năm 1875 đến năm 1908 với niên hiệu là Quang Tự. Ông mất vào năm 1908, trước Từ Hi Thái hậu một ngày. Cho dù Tòa nhà kiểu Pháp được xây dựng vào năm 1896 hay muộn hơn (nghĩa là trước năm 1908) thì tòa nhà này phải hiện diện trên những tấm ảnh chụp vào thời điểm đó. Nhưng nhìn vào tấm ảnh chụp ải Nam Quan từ phía Trung Quốc vào đầu thế kỷ 20 (ảnh 28), chúng ta không hề thấy bóng dáng của “Lầu thành kiểu Pháp”. Để có thể thấy rõ hơn, chúng ta có thể xem xét tấm bưu ảnh của P. Dieulefils chụp ải Nam Quan từ một vị trí sát cửa ải (ảnh 29). Trên tấm bưu ảnh có dán tem và đóng dấu bưu điện này, phía trên bên trái có ghi hàng chữ bằng tiếng Pháp “reçue 9 août 1910” (nhận ngày 9.8.1910). Có thể nói cho đến năm 1910, quang cảnh của ải Nam Quan giống hệt như trong tấm ảnh.
Ảnh 29: Ải Nam Quan nhìn từ phía Trung Quốc
Tấm ảnh này chụp trên lãnh thổ của Trung Quốc, vì bức trường thành chạy về phía bên phải tấm ảnh dẫn đến dãy núi đá vôi nằm ở phía tây của ải Nam Quan. Ở phía đông (bên trái tấm ảnh) gần sát cửa ải là Miếu Quan đế và đình Chiêu Trung. Tấm ảnh này cho thấy phía sau ải Nam Quan chỉ là một ngôi nhà rất bình thường, không hề có bóng dáng của “Lầu thành kiểu Pháp” mà chúng ta nhìn thấy ở phía sau Hữu Nghị Quan ngày nay.
Ảnh 30: Quân Pháp đầu hàng quân Nhật Bản
Bây giờ chúng ta tiếp tục xem xét hai tấm ảnh do Chân Mây sưu tầm. Tác giả chú thích ảnh 30 như sau: “Liên quân Pháp-Việt (trường Sĩ quan Đồng Đăng). Những người bảo vệ Ải Nam Quan thất thủ trước quân Nhật (25.09.1940)”. Tòa nhà này rõ ràng là của quân đội Pháp. Ảnh chụp cho thấy tù binh người Pháp người nằm kẻ ngồi trong tư thế bại trận. Những người lính đứng gác là người Nhật. Điều rất dễ nhận ra là hình dáng của tòa nhà này rất giống với Tòa nhà Pháp Quốc nằm ở phía sau Hữu Nghị Quan ngày nay (ảnh 31).
Ảnh 31: Tòa nhà kiểu Pháp (2007)
So sánh hai bức ảnh nói trên, chúng ta có thể tìm ra một cách giải thích tương đối hợp lý hơn về nguồn gốc của Tòa nhà kiểu Pháp: Tòa nhà kiểu Pháp là của người Pháp, do người Pháp xây dựng trên lãnh thổ Việt Nam trong khoảng thời gian từ đầu thế kỷ 20 cho đến trước năm 1940. Sau này, khi xây lại Hữu Nghị Quan, phía Trung Quốc đã dời cửa quan đến một vị trí khác trên lãnh thổ Việt Nam, vì thế tòa nhà kiểu Pháp lọt vào lãnh thổ Trung Quốc. Và để hợp lý hóa việc một ngôi nhà có kiến trúc kiểu Pháp lại nằm trên lãnh thổ Trung Quốc, các quan chức của Đảng cộng sản Trung Quốc đã bịa đặt ra câu chuyện “Lâu đài Pháp Quốc được xây dựng dưới thời vua Quang Tự”.
5. Ảnh toàn cảnh của Hữu Nghị Quan
Cuối cùng, dấu hiệu quan trọng nhất khiến chúng ta hoài nghi “Hữu Nghị Quan không phải là ải Nam Quan” chính là việc chưa bao giờ có một tấm ảnh chụp toàn cảnh Hữu Nghị Quan tương tự như tấm ảnh chụp toàn cảnh ải Nam Quan sau đây (ảnh 32).
Lý do duy nhất có thể giải thích sự kiện này một cách hợp lý là: do phía Trung Quốc đã dời cửa ải đến một vị trí khác cho nên phía Việt Nam không thể nào chụp được những tấm ảnh tương tự. Còn về phía Trung Quốc thì lẽ đương nhiên là họ tìm cách giấu kín, bởi vì chỉ có họ mới biết được vị trí của ải Nam Quan ngày xưa hiện nay đang ở đâu.
Đến đây thì chúng ta có quyền đặt câu hỏi: Đảng Cộng sản Việt Nam có biết được sự thật này hay không? Nếu biết thì tại sao từ đó cho đến nay, kể cả trong bản bị vong lục năm 1979, sự thật đó vẫn không được phơi bày?
Ảnh 32: Ải Nam Quan vào đầu thế kỷ 20
Tóm lại, mất “Ải Nam Quan” trước hết là mất đi một biểu tượng của lòng yêu nước, một bằng chứng về ý chí kiên cường của một dân tộc đã đứng vững được ở phương Nam trước một quốc gia hùng mạnh ở phương Bắc – một quốc gia suốt hàng ngàn năm nay chưa hề từ bỏ tham vọng bành trướng lãnh thổ. Ngoài ý nghĩa tinh thần đó, việc mất đất tại ải Nam Quan còn có những hậu quả hết sức nặng nề. Trước hết là diện tích bị mất. Không chỉ là vài trăm thước đất trước Hữu Nghị Quan hay dọc theo tuyến đường sắt mà mất đi những “vị trí hiểm trở” trên tuyến phòng thủ có tầm quan trọng hàng đầu về mặt quân sự. Người ta có quyền đặt câu hỏi: trên toàn bộ tuyến phòng thủ Lạng Sơn, trong số 12 cửa ải của thời nhà Nguyễn, ngày nay phía Việt Nam còn giữ được bao nhiêu “vị trí hiểm trở” và điều đó có ảnh hưởng gì đến công tác bảo vệ biên giới trong trường hợp xảy ra chiến tranh?
Cho nên cho dù sự thật là rất đau lòng, chúng ta buộc lòng phải thừa nhận: người Việt Nam đã thật sự mất “ải Nam Quan”, và đã mất từ lâu, ít nhất là từ khi phía Trung Quốc xây dựng lại Hữu Nghị Quan. Có thể nói kịch bản lấn chiếm ở khu vực ải Nam Quan bao gồm 3 bước: (1) đặt điểm nối ray vào sâu trong lãnh thổ Việt Nam (2) dời cửa ải sang một vị trí khác (3) phá hủy cột mốc số 18 và dời cột Km số 0. Như vậy, Hiệp ước Biên giới năm 1999 chỉ là giai đoạn cuối nhằm hợp pháp hóa một quá trình lấn chiếm lâu dài. Phía Trung Quốc đã thành công trong việc xóa bỏ ải Nam Quan bằng cách chiếm đóng những cao điểm có giá trị về mặt quân sự, vô hiệu hóa hoàn toàn “vị trí hiểm yếu” nổi tiếng này.
Điều mỉa mai của lịch sử là: khi cửa ải còn có tên là ải Nam Quan, Việt Nam vẫn còn giữ gìn được biên cương của Tố Quốc ở khu vực này. Ngay cả dưới thời Pháp thuộc, mặc dù người Pháp có nhượng một dải đất 100 m thì ải Nam Quan vẫn còn đó. Nhưng khi ải Nam Quan được đổi tên thành Mục Nam Quan thì sự hòa thuận (mục có nghĩa là hòa thuận) chỉ là màn kịch che đậy một âm mưu chiếm đoạt sắp diễn ra. Còn khi cửa ải được đổi tên thành Hữu Nghị Quan thì chính cái “tình hữu nghị” bên ngoài đó lại là một thứ màn khói để ngụy trang cho một quá trình chiếm đoạt thật sự – vô cùng tinh vi và thâm hiểm.
Vào khoảng thập niên 30 hoặc 40 của thế kỷ 15, biên cương phía bắc của nước ta được xác định một cách rõ ràng tại “vị trí hiểm yếu” của ải Nam Quan. Người Trung Hoa gọi đó là Trấn Nam Quan[3] có nghĩa là “cửa quan trấn giữ ở phía nam” của đất nước họ, hoặc gọi bằng một cái tên có ý nghĩa xấu hơn nữa là Trấn Di quan (cửa quan để trấn áp bọn người man di, mọi rợ). Người Việt Nam không bác bỏ hoàn toàn cái tên đó, mà bỏ đi chữ trấn, chỉ gọi là ải Nam Quan hay cửa quan Nam Giao. Chữ Nam mà người Việt dùng có nghĩa là nước Nam (nước ở phía Nam của Trung Hoa), tương tự như chữ Nam trong Đại Nam hay Việt Nam. Đó là một cách gọi nhún nhường, khiêm tốn nhưng thể hiện ý chí kiêu hùng, không khuất phục. Trong thực tế, suốt từ đó cho đến khi mất nước vào tay người Pháp, người Việt qua nhiều bước thăng trầm vẫn không đánh mất ải Nam Quan. Thế mà ngày nay, khi ải Nam Quan bị cướp đoạt, người ta vẫn có thể thản nhiên ca ngợi “tình hữu nghị” với 16 chữ vàng. Không hiểu xét về mặt ngôn ngữ, “tình hữu nghị” phải được định nghĩa như thế nào đây? Và thứ ngôn ngữ vừa ngụy biện, vừa mang ý nghĩa tráo trở đó có tác dụng gì trong việc giáo dục lòng yêu nước cho các thể hệ trẻ Việt Nam thông qua các nhà trường được mệnh danh là xã hội chủ nghĩa?
Phát biểu tại “Lễ chào mừng hoàn thành công tác phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc” diễn ra vào chiều ngày 23.2.2009 tại Hữu Nghị quan, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởn
g Ngoại giao Phạm Gia Khiêm khẳng định:
“Việc hoàn thành công tác phân giới cắm mốc là một thông điệp quan trọng khẳng định với thế giới mối quan hệ hợp tác đang phát triển tốt đẹp giữa hai nước.”
Để đáp lễ, ông Đới Bỉnh Quốc – Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc, trưởng đoàn đại biểu Trung Quốc tham dự buổi lễ, đã khẳng định một cách có ý nghĩa:
“Công tác phân giới cắm mốc liên quan đến chủ quyền quốc gia, liên quan đến lợi ích thiết thực của nhân dân hai nước. Chúng tôi vui mừng nhận thấy, dưới sự quan tâm và chỉ đạo chung của lãnh đạo hai nước, căn cứ vào Hiệp ước Biên giới Đất liền hai nước Trung Quốc – Việt Nam, thông qua hữu nghị hiệp thương, cuối cùng chúng ta đã đạt được kết quả cùng thắng, hai bên cùng có lợi, hoàn thành tâm nguyện chung của nhân dân hai nước”[4]
“Chúng ta đã đạt được kết quả cùng thắng, hai bên cùng có lợi”. “Chúng ta” đây là ai?
Có thể hiểu “chúng ta” và “hai bên” là hai Đảng Cộng sản Trung Quốc và Việt Nam, hay chính xác hơn là Bộ Chính trị của hai Đảng. Cả hai bên này có thể “cùng thắng” và “cùng có lợi”. Thế nhưng, kết quả này không thể phản ánh “tâm nguyện chung của nhân dân hai nước”. Bởi vì, không rõ nhân dân Trung Quốc hưởng được lợi lộc gì trong chuyện này, nhưng điều chắc chắn là “nhân dân Việt Nam” hoàn toàn là kẻ chịu thiệt thòi, dân tộc Việt Nam là người thua cuộc.
Làm sao có thể coi nhân dân Việt Nam, dân tộc Việt Nam là người thắng cuộc khi đường biên giới đã từng bị đẩy lùi một lần vào cuối thế kỷ 19 – vì đất nước bị mất chủ quyền, nay lại tiếp tục bị đẩy lùi một lần thứ hai – giữa lúc chủ quyền quốc gia được coi là “trọn vẹn”?
Làm sao có thể coi là thắng lợi khi Ải Nam Quan – đã từng là hình ảnh của biên cương phía Bắc, đã từng kết tinh máu xương của biết bao thế hệ người Việt trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, đã từng là biểu tượng tinh thần của một dân tộc bất khuất, ngày nay lại lọt mất tăm vào cõi u minh nào đó trên lãnh thổ của Trung Quốc?
Đà Lạt, những ngày cuối năm Kỷ Sửu – đầu năm Canh Dần 2010,
MAI THÁI LĨNH
---------------------------
[1]“Cửa khẩu Hữu Nghị Quan”, Sinoviet.com: http://www.vn.sinoviet.com/bordertrade/cvport/youyi-gate/youyigate-1.asp Lời giới thiệu này viết sai chính tả ở vài chỗ, đã được sửa lại cho đúng với ngữ pháp tiếng Việt.
[2]Trong bản tiếng Hoa, cơ quan này được gọi là Sở Thông tin.
[3]trấn: đè nén; gìn giữ, bảo vệ.
[4]Biên giới Việt – Trung và thông điệp mới, VietNamNet, Thứ Hai, 23/02/2009: http://vietnamnet.vn/chinhtri/2009/02/831522/
Nhận xét
Đăng nhận xét