Vài nét về các nhà nhiếp ảnh từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20 ở Việt Nam và Saigon - Chợ Lớn - Phần II.1
Nguyễn Đức Hiệp
Bài biên khảo này tìm hiểu lịch sử nhiếp ảnh tại Việt Nam từ khi kỹ thuật nhiếp ảnh ra đời và phổ thông vào giữa thế kỷ 19 ở Âu châu... cho đến các thập niên đầu thế kỷ 20 khi các nhiếp ảnh gia người Việt bắt đầu xuất hiện.
Phần này phác họa về tiểu sử và tác phẩm nhiếp ảnh của một vài nhà nhiếp ảnh tiên phong ở Việt Nam và thành phố Saigon-Chợ Lớn vào thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 và qua đó ta sẽ thấy rõ lịch sử nhiếp ảnh Việt Nam trong giai đoạn đầu.
Émile Gsell (1838-1879)
Émile Gsell là nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp và thương mại đầu tiên ở Saigon. Ông được gởi đến Nam kỳ vì nghĩa vụ quân sự, nhưng sau đó ông được giải ngũ khi được thuyền trưởng (capitaine de frégate) Ernest Doudart de Lagrée (2) tuyển dụng vào đoàn thám hiểm sông Mekong (Commission d’exploration du Mékong) cùng với trung úy (lieutenant de vaisseau) Francis Garnier, năm 1866-1868. Ông là người đầu tiên chụp ảnh đền Angkor với các đoàn thám hiểm. Sau chuyến đi này, ông mở văn phòng nhiếp ảnh ở Saigon, Gsell Photographie, bán các hình ảnh đền Angkor rất thành công. Ông còn chụp rất nhiều hình ảnh về cảnh quan, đời sống ở Saigon và các nơi khác ở Nam Kỳ...
Năm 1873 ông trở lại Angkor cùng với trung úy Louis Delaporte (người cùng đi với ông trong chuyến thám hiểm trước của Doudart de Lagrée). Ông cũng chụp hình cảnh quân Pháp (Francis Garnier) đánh thành Hà Nội vào năm 1873. Trong thời gian 11/1876-1/1877, ông theo chân trung úy hải quân Kergadarec trở lại sông Hồng. Trong hai dịp này cùng đi với ông là nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp Jean Baptiste Pellissier. Ông là người đầu tiên chụp chân dung của một phụ nữ Việt Nam ở Bắc kỳ (Tonkin).
Hình 10: Hình vẽ lại các chân dung theo các ảnh chụp của Gsell, đăng trong “La conquête du delta du Tong-kin” của Romanet de Caillaud. Trong hình là Jean Dupuis, quan nhà Thanh và lính Vân Nam đi theo Jean Dupuis, người Việt thượng lưu và người dân thường ở Bắc kỳ (Tonkin).
Ông có triển lãm hình ở hội chợ thế giới Vienne (Áo) và được huy chương triển lãm. Ông tìm hiểu, tập trung để ý đến chụp hình về đời sống, tập tục của người dân bản xứ. Phòng studio chụp hình của ông ở Saigon gần nhà những người Việt giàu có và họ thường đến để được ông chụp chân dung cho họ.
Hình 11: Émile Gsell, Ảnh chân dung một phụ nữ Bắc Kỳ (Tonkin). Để ý nón quai thao rộng thời bấy giờ ở các miền từ Bắc đến Nam như nhau, bình và đôi hài trước phông hình.
Gsell mất khi vẫn còn trẻ, lúc 41 tuổi, ở Saigon vào ngày 16 tháng 10 năm 1879. Lúc gần cuối đời ông có chụp ảnh các công trình kiến trúc và công chánh ở Saigon. cho thống đốc dân sự Le Myre De Viliers.
Sau khi ông mất, các tư liệu ảnh ông để lại được ông O.Wegener dùng, và sau đó là ông Vidal kế thừa. Ông Vidal dùng tư liệu này trong mục đích thương mại cho đến khi ông mất vào năm 1883. Những hình ảnh của Gsell cũng được đăng trong một bài viết của Francis Garnier về Angkor (Le Tour du Monde, 1870-1871), của ông Romanet de Caillaud trong “ La conquête du delta du Tong-kin” (Le Tour du Monde, 1877/2), và trong bài của Brossard de Corbigny về “Tám ngày trong đoàn ngoại giao ở Huế” (“Huit jours d’ambassade à Hué”) đăng trong Le Tour du Monde,1878/1, trong bài có ghi chú là Gsell được hoàng đế An Nam cho phép chụp ảnh.
Cách đây không lâu trong tháng 12 năm 2007, bộ album ảnh gồm khoảng 350 tấm của Gsell được đưa ra bán đấu giá bởi Galerie Bassenge ở Berlin trong đó có vài ảnh có chữ ký của Gsell ghi trong bảng âm, vài ảnh có ghi chú bằng bút chì ở dưới ảnh và tất cả các ảnh chụp ở Angkor đều có tựa hàng chử in bên dưới trên khung ảnh.
Trang đầu của bộ album ảnh là hình do Gsell chụp toàn bộ, khoảng 120 tấm ảnh carte-de-visite (CDV), ở giữa ảnh có tên studio phòng ảnh của ông ở Saigon, Gsell Photographie. Đây là nguồn thông tin để có thể nhận ra được tác giả một số ảnh ở Đông Dương mà trước đây không ai biết người chụp. Trong bộ ảnh này có các hình chụp ở cảng Saigon, tàu buồm đậu ở bến, dinh thống đốc ở Saigon, các ảnh tòa nhà, dinh thự ở Đông Dương khi Pháp mới đến và bắt đầu xây dưng thành phố Saigon. Nhiều ảnh các quan chức cao cấp, giám mục, diễn viên kịch, hát bội, lính cũng như các chùa đền, tượng, các khu định cư và các làng mạc của người bản xứ.
Hình 12: Cảng Saigon và nhà của ông Vương Thái, cột cờ Thủ Ngữ,và rạch Bến Nghé ở bên trái (hình do Gsell chụp năm 1866)
Hình 13: Mộ người An Nam ở Saigon (1866)
Hình 14: Cảng Saigon, bức hình này sau đó được khắc vẽ lại trong sách “La France illustrée” (1884) của V. A. Malte-Brun (1) và bài của bác sĩ Albert Morice trong Tour du Monde, 1875.
Hình 15: Emile Gsell 1866, chụp ở Angkor trong chuyến đi thám hiểm sông Mekong của Pháp do thuyền trưởng Doudart de Lagrée làm trưởng đoàn.
Hình 16: Emile Gsell, 1870. “Natives indochinois”. Hình trên giấy albumen. Một trong những bức hình cổ xưa nhất về người dân tộc. Đây có lẽ là hình người Stieng hay Mạ sống chung quanh Saigon hay ở Lâm Đồng (Tây Nguyên).
Hình 17: Hình trên giấy albumen, ảnh chup bởi Émile Gsell. Từ trái sang phải: Trung úy Francis Garnier (1839 - 1873) (phó đoàn thám hiểm); trung úy Louis Delaporte (1842 - 1925) (họa sĩ)); Bác sĩ. Clovis Thorel (1833 - 1911) và bác sĩ Lucien Joubert (1832 - 1893) (cả hai là bác sĩ hải quân, coi về địa chất, nhân chủng học và thực vật học, ngồi hai bên của trưởng đoàn thám hiểm; đại úy thuyền trưởng Doudart de Lagrée (1823 - 1868) (trong bộ quần trắng); Louis de Carné (1844 - 1870) (tùy viên, thuộc Bộ ngoại giao Pháp).
Chú thích
(1) V. A Malte-Brun là người đầu tiên gọi Việt Nam - Lào -Cam Bốt là Indochine (Đông Dương).
(2) Sau hơn 2000km thám hiểm sông MeKong, Doudart de Lagrée đã chết vì kiệt sức và bệnh gan ở Vân Nam, ông Carné sau chuyến thám hiểm cũng chết vì kiệt sức. Trên đường bộ đi đến Côn Minh, đoàn thám hiểm gần như tình cờ khám phá ra nguồn của sông Hồng chảy ra vịnh Bắc Việt. Thay vì theo ngã sông Mekong từ cảng Saigon (lúc đó thuộc Pháp) đến Vân Nam, thì đường từ cảng Hải Phòng lên Vân Nam theo sông Hồng ngắn và dễ dàng hơn hết. Đây chính là cơ sở để Pháp đánh chiếm Bắc Kỳ. Lịch sử sẽ khác đi nếu không có sự tình cờ này. Từ Côn Minh, đoàn đi lên phía bắc ở tỉnh Tứ Xuyên, thượng nguồn của sông Dương Tử. Và từ đây đoàn xuôi dòng ra bờ biển gần Thượng Hải, rồi từ đó trở về Saigon theo đường biển. Sau chuyến đi thám hiểm nổi tiếng này, Garnier được Hội địa lý Hoàng gia Anh tặng thưởng và so sánh cuộc thám hiểm của ông như cuộc thám hiểm đầy gian truân của Bác sĩ Livingstone trên sông Congo ở Phi Châu.
Vài nét về các nhà nhiếp ảnh từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20 ở Việt Nam và Saigon - Chợ Lớn - Phần II.1
Vài nét về các nhà nhiếp ảnh từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20 ở Việt Nam và Saigon - Chợ Lớn - Phần II.2
Vài nét về các nhà nhiếp ảnh từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20 ở Việt Nam và Saigon - Chợ Lớn - Phần II.3
Vài nét về các nhà nhiếp ảnh từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20 ở Việt Nam và Saigon - Chợ Lớn - Phần III
Vài nét về các nhà nhiếp ảnh từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20 ở Việt Nam và Saigon - Chợ Lớn - Phần IV
Nhận xét
Đăng nhận xét