Bí mật về cái chết và ngôi mộ của Hùm thiêng Yên Thế


Bài đăng trên Vietimes Thứ năm, 7/8/2008, 23:58 (GMT+7)

Theo tư liệu của Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam thì cái chết của người anh hùng cầm đầu cuộc khởi nghĩa Yên Thế được ghi lại như sau: “Cuối tháng 12/1912, Lương Tam Kỳ, một tên trùm thổ phỉ đã đầu hàng Pháp, cùng bọn chỉ điểm người Hoa đến trá hàng Đề Thám. Chúng hứa với Đề Thám sẽ bày cho nghĩa quân cách chế tạo... bom tấn. Tại một ngôi lều chạy loạn ở khu vực Hố Nấy, họ chuốc rượu say rồi giết Đề Thám cùng hai thuộc hạ thân tín của Cụ. Đó là ngày 10 tháng 2 năm 1913. Năm đó, Đề Thám 55 tuổi. Cả gia đình Cụ Đề Thám bị giặc Pháp bắt và giết. Người con cuối cùng của ông là bà Hoàng Thị Thế, bị bắt về Pháp từ khi mới 6 - 7 tuổi, cuối đời bà đã về nước và đã qua đời." 

Liệu sau khi cuộc khởi nghĩa Yên Thế tan rã vào cuối năm 1909, người anh hùng Đề Thám – con hùm thiêng Yên Thế thoát khỏi sự truy bức của thực dân Pháp và chính quyền tay sai, với giải thưởng treo đầu ông cực lớn có chịu chết một cách dễ dàng như vậy không? Đó vẫn là một nghi vấn. Bởi toàn gia của ông bị bắt và giết hại, chỉ sót lại mỗi một người con gái út. Nhưng tại sao trong tất cả những tư liệu đã được công khai hiện nay không có bất cứ một bức ảnh nào về cái chết của ông? Bài viết sau vừa giải đáp một phần nghi vấn về cái chết đó, vừa nêu lên những thắc mắc cần đến các chuyên gia bổ cứu...

Ngôi mộ bí ẩn trên đồi thông Cẩm Trang...



Ngôi mộ không bia của người ăn mày gần một trăm năm tuổi - Ảnh: Nhật Hạ

Ngôi mộ vẫn được coi là "của một người ăn mày vô danh" chôn trên đồi thông cổ (nay chỉ còn lại dấu tích) của xóm Tân Lập, thôn Cẩm Trang, xã Mai Trung (huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) đến nay đã được gần một trăm năm. Năm 2002, vào một buổi trưa, hai đứa con nhà chị Điền, anh Đường (những người chủ đất hiện tại) đang chơi ở ngoài vườn trong khi bố mẹ chúng đi vắng. Giống như mọi nhà hàng xóm khác, hai vợ chồng Điền – Đường thường hay đào đất làm gạch xây nhà., làm cho nền đất sụt dần xuống. Mấy hôm lại mưa nhiều nên chỗ đất ở chân ngôi mộ lở ra, lộ thiên hai cái xương gióng chân rất to. Hai đứa trẻ năm đó, một đứa 10 tuổi, một đứa 6 tuổi đang chơi đùa, nhìn thấy sợ quá nên báo cho người lớn. Theo lời anh Đường kể lại thì hai cái xương gióng chân trong mộ cứ lộ thiên như thế trong suốt hai tuần, sau đó anh mới dám lấp đất đi. Trong thời gian ấy, có rất nhiều người dân vì tò mò mà đến xem, có nhiều người còn lật đất lên để nhìn cho rõ... 

Chị Ngô Thị Thúy, một trong những người đến khu trại thông đầu tiên kể rằng, mỗi gia đình khi ra đây lập nghiệp chỉ có hai gian nhà tranh, cả khu nhà ở đây giống như khu “nhà chị Dậu”. Lúc ấy, ngôi mộ này đã có ở đấy, nhưng chưa được chú ý nhiều. Sau này, do những lời đồn thổi, đã có vài người có đi xem bói, có người xì xào, đây là ngôi mộ của một ông quan to...

Vợ chồng anh Đường cũng đã đi xem bói nhiều nơi, thì thầy bảo rằng, đây là "khu mộ của người làm cách mạng, cần phải thờ cúng cẩn thận”. Thế nên hai vợ chồng, từ ngày cưới nhau về ở khu đồi thông, trong bữa cơm hàng ngày, khi dọn mâm, vẫn để thêm một chiếc bát và đôi đũa dành cho người chết vô danh đang cư ngụ... ngay trước cổng nhà. 

Không lâu sau đó, ở ngôi mộ này, người ta phát hiện ra một cái "lon" bằng gốm sứ (giống như cái hũ, cái liễn nhỏ). Bên trong cái lon này chứa đầy đất vôi, lật ngược cái lon cổ thì thấy có đĩa cổ in hình 4 con cá, lật cái đĩa cổ ấy ra thì thấy 1 cái đĩa nữa giống như thế ở phía dưới, dưới đĩa này là 1 cuộn giấy viết chữ Nho, sau lớp giấy này cũng lại 1 cái đĩa cổ nữa để tránh ẩm, nước mưa ngấm vào trong. Cuộn giấy này lập tức được mang tới các cụ biết đôi chút chữ Hán trong làng dịch, trong đó có cụ Kiểu, năm nay 96 tuổi (những dòng thơ này còn được Viện Hán - Nôm, Bảo tàng Bắc Giang dịch). Có nhiều bản dịch khác nhau, nhưng dịch nôm na nó ra thế này: Cờ nghĩa bao năm đành lỡ vận. Hậu thế nghìn năm nào ai hay. Yên ngựa gửi thân nơi hồn đất. Thế sự Hoàng Hoa ai biết chăng?”.



Và bí ẩn về ngôi mộ cổ này dần dần được hé mở với những tiết lộ của một người làm nhiệm vụ bí mật giữ mộ trong làng...

Chuyện của chắt nội của người giữ mộ!



Ông Nguyễn Văn Sử, cháu nội đời thứ 5 của cụ Lý Loan - Ảnh: Nhật Hạ


Theo ông Nguyễn Văn Sử (59 tuổi), nhà ở xóm trong làng Cẩm Trang, cháu nội đời thứ năm của cụ Lý Loan (cụ Lý Loan sống cùng thời với vị anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám) thì ngôi mộ vô danh đó chính là mộ của vị anh hùng Đề Thám. Chính ông Sử là người đào được chiếc "lon" cổ (ảnh) này khi định trồng cây ở cạnh ngôi mộ, trước miếu thờ Hoàng Hoa Thám (dựng năm 2004). Theo ông Sử kể lại thì nhiều đời nay trong gia tộc nhà ông vẫn kể truyền miệng câu chuyện về ngôi mộ này, nhưng tuyệt đối giữ bí mật và câu chuyện chỉ được kể cho người con trưởng (ông Sử là út nhưng từ bé đã ngồi nghe lỏm chuyện của bố kể cho anh cả nghe về nghĩa quân Đề Thám). Cách đây tám năm, khi anh cả ông Sử mất, có dặn lại em út rằng: Ngôi mộ của người ăn mày vô danh trên đồi thông Cẩm Trang (xóm Tân Lập mới) chính là mộ của cụ Hoàng Hoa Thám, chỉ huy nghĩa quân Yên Thế năm xưa, mà dòng họ nhà ông có nhiệm vụ kế nhau gìn giữ và thắp hương cúng giỗ. 

Cụ Lý Loan, tên thật là Nguyễn Văn Uyển, từng là "cơ sở cách mạng" của cụ Đề Thám, thân làm đến chức lý trưởng trong làng. Con trai đầu cụ Uyển tên là Loan, nên cả làng quen gọi cụ Uyển là cụ Lý Loan. Khi ấy, nhà cụ ở xóm Nội Dinh (làng Cẩm Trang), cách nhà ông Sử bây giờ khoảng năm-sáu trăm mét. Ngôi nhà cổ rất đẹp, làm toàn bằng gỗ mít, nhưng năm 1954 thì đã được bán đi... 

Câu chuyện được lưu truyền trong dòng họ của ông Sử như sau: Sau khi vụ Hà Thành đầu độc (8/7/1908) của Đề Thám và nhóm nội ứng thất bại, mưu toan chiếm thành Hà Nội không thành. Ngày 29/1/1909, thực dân Pháp quyết định mở một đợt tấn công quy mô lớn vào khu căn cứ Nhã Nam – Yên Thế nhằm tiêu diệt căn cứ nghĩa quân làm chúng nhức nhối này. Toàn quyền Đông Dương P. Doumer và tướng Geil, Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Bắc Kỳ trực tiếp chuẩn bị kế hoạch . Chiến dịch được thực dân Pháp chia làm 3 giai đoạn: từ 29-1-1909 đến 28-2-1910. Quân Pháp đã huy động 15.000 quân chính quy và khố xanh, 400 lính dõng, đây là một lực lượng lớn nhất từ trước tới nay chúng sử dụng tấn công nghĩa quân Yên Thế. Lực lượng này do đại tá Batay và quan đại thần Lê Hoan chỉ huy.

Khi đó nghĩa quân Yên Thế chỉ có khoảng 200 tay súng thiện chiến (loại súng 1874 và 1886), còn lại là giáo, mác… Bộ chỉ huy, ngoài Đề Thám còn có một số tướng giỏi như Cả Rinh, Cả Trọng, Cả Huỳnh và bà Ba. Đề Thám chỉ huy nghĩa quân chiến đấu, cầm cự với địch suốt 13 tháng trời, gây cho quân địch nhiều tổn thất nặng nề. Tuy nhiên, so sánh lực lượng quá chênh lệch, để bảo tồn lực lượng, Đề Thám vừa tổ chức đánh trả, vừa phải rút lui khỏi Yên Thế, đến Thái Nguyên, Tam Đảo. Trong lúc đó con cả của Cụ là Cả Trọng bị tử thương và con gái út là Hoàng Thị Thế và nhiều người trong gia quyến bị bắt, bị giết. Lực lượng nghĩa quân giảm sút dần và tới cuối năm 1909, bị tan rã. Đề Thám phải sống ẩn náu trong núi rừng Yên Thế cùng hai thủ hạ tâm phúc. Các nhóm nghĩa quân sống sót thoát khỏi việc truy bắt của thực dân Pháp và chính quyền tay sai đã tản mát đổi tên họ và trốn đi khắp mọi miền. 

Năm 1911, để tránh sự truy quét của giặc Pháp, Đề Thám cùng với hai người lính cận vệ, trong đó, một người tên là Nguyễn Văn Sự và một người khác tên Tài (là cụ ngoại của ông Nguyễn Văn Sử) và hai người con gái nuôi của cụ Đề Thám về ẩn náu ở thôn Cẩm Trang. Cụ Lý Loan che chắn, bí mật đưa cụ Đề đến ở "nhà cầu Thầy Mai" là một chái nhà như điếm canh đồng (cánh đồng sau được đổi tên là cánh đồng Yên Thế). Một thời gian sau, bà Ba - vợ ba của cụ Đề cũng được đón về ở cùng. Ngày ngày, ông Tài - là lính hầu - lo việc cơm nước cho cụ Đề Thám (hiện mộ hai người lính này vẫn ở thôn Cẩm Trang). Hai năm sau, ngày 9/5/1913, cụ Đề Thám ốm rồi mất. Sau khi cụ mất, để tránh sự chú ý của người dân cũng như tai mắt của bọn giặc, thi hài cụ được bí mật quấn chiếu rồi đem chôn bên cạnh một gốc thông trên đồi thông của thôn Cẩm Trang bởi nơi này địa thế cao, vắng vẻ, ít người qua lại. Hôm sau, mối đã xông kín phủ đầy ngôi mộ. Và, người dân trong xóm cũng chỉ phong thanh biết đấy là ngôi mộ của người ăn mày. 

Vì thế, ngày 9/5 ÂL được gia đình cụ Lý Loan lấy làm ngày giỗ cho cụ Đề thám thay vì ngày 5/1/1913 ÂL như một số cuốn sử vẫn chép (có nơi lấy ngày 4/1 làm ngày giỗ cụ Đề Thám). Còn theo tư liệu của Bảo tàng Quân sự, thì cụ Đề Thám bị sát hại ngày 10/2/1913 ở Hố Nấy.

Theo những người cao tuổi trong làng, đồi thông này trước kia xanh tốt, có đến cả ngàn cây thông nếp. Nhưng những năm 80 của thế kỷ 20, khi xóm Tân Lập giãn dân, những cặp vợ chồng trẻ tuổi trong xóm Nội Cả, Nội Dinh cần có khu đất mới để sinh sống, làm ăn đã di chuyển đến khu đồi thông và lập nên một trại mới (gọi là đội 10) với khoảng 14 hộ gia đình, hình thành nên “khu ngoài” (Khi ấy, xã cấp cho mỗi hộ 1 sào đất, tương đương 360m2, để lập nghiệp). Dần dần, do nhu cầu đất ở, cả ngàn gốc thông đã...  biến mất, thay vào đó là nhà cửa, vườn tược, người ta cũng thi nhau “khoanh thêm” những khoảng đất trống quanh nhà để tăng gia sản xuất. Khi đất đai ngày càng trở nên có giá, thì khu đồi thông càng “gọn gàng” hơn, bởi người người xây tường bao giữ đất. Vì thế, cho đến hôm nay, khu đồi thông xanh mướt ngày xưa, đã chẳng còn lấy một cái gốc cây. Đồi thông cổ giờ chỉ còn trong ký ức những người già ngoài 70 tuổi của làng, hay trong trí nhớ những người như ông Sử, bởi nó gắn với câu chuyện của cả họ tộc nhà Lý Loan.

Vợ chồng anh Đường , chị Điền cùng thuộc đội 10 của trại thông, khoảnh vườn của nhà anh chị ôm trọn khu mộ. Ngôi mộ gần cả trăm năm tuổi, nhưng vẫn mang “dáng vẻ ngày xưa”, nghĩa là không bia, đất đắp mộ thấp lè tè, gần áp mặt đất. Chỉ khác xưa là, giờ ngôi mộ được quây lại bằng hàng gạch xây vuông vức những cũng đã mốc rêu xanh thẫm do ngày tháng. Trước, lối đi vào nhà anh Đường, cổng chính là cửa đền thờ cụ Đề Thám bây giờ. Nay, do khoảnh đất ấy dành để xây đền, nên lối vào cổng nhà anh Đường dịch xuống khoảng 10 mét, ngôi mộ nằm sát lối ra vào cổng, phía ngoài được rào bằng hàng rào tre gai để tránh có người vào đào trộm.

Ông Sử kể, không phải cho đến bây giờ, gia đình ông mới nghĩ đến việc làm rõ thực hư câu chuyện của gần 1 thế kỷ trước. Trước đây, do vấn đề phải giữ gìn bí mật, bởi việc che giấu cho cụ Đề Thám liên quan đến cả an toàn tính mạng cho cả dòng họ. Nhưng, từ cách đây 20 năm, anh cả của ông Sử đã bắt đầu kể lại công khai câu chuyện này, và bây giờ, khi anh cả mất, ông là người kế tiếp. 

Căn nhà của ông Sử đang ở rất đơn sơ, giản dị, tường gạch bao quanh, sân gạch, nhà mái ngói. Con cái ông Sử cũng đã lập gia đình gần hết, chỉ còn anh con trai 27 tuổi ở lại nhà. Trên bàn thờ có di ảnh cụ Đề Thám và vợ ba của cụ Đề Thám. Ngày giỗ, nhà ông Sử vẫn làm mâm cơm, thắp nén nhang tưởng nhớ người thủ lĩnh nghĩa quân năm xưa, coi như việc “của gia đình” làm hàng năm từ đời kỵ, cụ, ông nội của ông Sử. 

Đâu là sự thật?



Đền thờ cụ Hoàng Hoa Thám, bên cạnh ngôi mộ - Ảnh: Nhật Hạ

Hiện nay, dấu vết của căn nhà được gọi là "nhà cầu thày Mai" nằm giữa cánh đồng Yên Thế (được cho rằng do cụ Lý Loan đổi tên sau khi cụ Đề Thám mất). Các nhà ngoại cảm đã từng về đây còn xác định được một cái giếng lớn ở giữa đồng (lòng và đáy giếng có lát gạch, dân hiện nay gọi là cái chuôm, bởi vết tích bờ giếng đã mất) được kể là trước đây cụ Đề Thám thường ra đó tắm 

Nhiều nhà ngoại cảm, nhiều đoàn cán bộ văn hóa cũng từng về đây, ra thăm ngôi mộ. Những hiện vật trong chiếc lon cổ do ông Sử đào được đã được chuyển về Bảo tàng tỉnh Bắc Giang. Để xác thực câu chuyện, chúng tôi đã có liên hệ với ông Trần Văn Lạng, hiện là Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bắc Giang. Ông Lạng cho biết những hiện vật như lon, đĩa đều có giá trị về mặt niên đại thời Lê và thời Nguyễn. Tờ giấy có chữ viết để trong cái liễn sành, ông Lạng xác định rằng đó là một tờ giấy dó bản to, cỡ lớn hơn khổ A4, trên có viết chữ Hán lẫn Nôm. Chữ viết rõ ràng, ngoài bài thơ kể trên còn có một dòng lạc khoản nhỏ đề: "Ngày mùng chín tháng năm – Loan". Nhưng ông Lạng cũng không có ý kiến gì thêm trước câu hỏi của chúng tôi: Rằng có phải ngôi mộ ở Cẩm Trang đó có phải chính là ngôi mộ của thủ lĩnh nghĩa quân Yên Thế, người anh hùng Hoàng Hoa Thám?

Để tìm hiểu thêm câu chuyện thực hư về ngôi mộ, chúng tôi đã cất công liên hệ với nhà điêu khắc Anh Vũ (nhà ở huyện Lạng Giang). Nhà điêu khắc Anh Vũ là tác giả pho tượng Đề Thám tại nhà tưởng niệm ở cạnh đồn Phồn Xương, ông từng nghiên cứu lâu năm, có nhiều tư liệu về vị anh hùng Yên Thế này. Về cái chết của cụ Đề Thám, ông cho rằng "nhiều chuyện mênh mông lắm". Dân gian thì cho rằng cái đầu mà chính quyền bêu để thị uy năm 1913 là cái đầu của một "ông sư chùa Lèo" rất giống Hoàng Hoa Thám. Bởi người dân tưởng nhớ vị anh hùng nên không thể chấp nhận một cái chết như vậy. Nhưng ông Anh Vũ cũng đồng ý một điểm là cái chết được chính quyền tay sai thực dân công bố chưa chắc đã là một cái chết có thực. Bởi người Pháp là người rất trọng tư liệu, nếu như bắt và giết được Đề Thám thực, thì không lẽ nào lại không có ảnh để lại. Trong khi các nghĩa quân Yên Thế và gia đình Đề Thám được chụp ảnh rất kỹ...

Ông Nguyễn Văn Bình, xóm trưởng xóm Tân Lập thì kể rằng, khi đào được chiếc lon cổ, thì ông Sử không mời ai đến chứng kiến mà đem về nhà. Sau đó ông mới đem trở lại nơi đào...

Nghe được tin này, con cháu bà Hoàng Thị Thế (con út của cụ Đề Thám) cũng đã tìm về Hiệp Hòa, nhận mộ, và thắp hương thờ cúng. Họ cũng tìm đến nhà ông Sử, cảm tạ và tháng sáu vừa qua, gia đình còn cung tiến bức tượng đồng cụ Hoàng Hoa Thám để đặt tại đền thờ cụ ngay cạnh ngôi mộ không có bia. Dự tính, cuối năm nay, những người có liên quan sẽ tổ chức khai quật ngôi mộ phần đơn sơ này. Chắc hẳn, sau khi khai quật ngôi mộ, sẽ có nhiều điều được làm sáng tỏ. Có điều khu đất "nhà cầu thày Mai" và khu đất có ngôi mộ (nằm cách nhau khoảng 50m) cũng tăng giá hẳn lên sau khi có câu chuyện chưa xác định được hư thực về ngôi mộ của Hùm thiêng Yên Thế...

Nhật Hạ (Vietimes)

--------------------------------------------------------------

Trên trang Trung tâm nghiên cứu lý học Phương Đông, một thành viên của diễn đàn luận giải những dòng thơ trên như sau:

Cờ nghĩa bao năm đành lỡ vận.
Hậu thế nghìn năm nào ai hay.
Yên ngựa gửi thân nơi hồn đất.
Thế sự Hoàng Hoa ai biết chăng?

Thiên Sứ tôi cho rằng: Bức thư này là một mật ngữ cho biết đây là nợi yên nghỉ cuối cùng của Ngài Hoàng Hoa Thám. Bây giờ chúng ta ghép 4 chữ đầu của 4 câu thơ, sẽ là: Kỳ (Cờ) - hậu - Yên - Thế. Có nghĩa là đây là nơi cuối cùng của người Yên Thế. Hai chữ "hoàng hoa" ở câu cuối cùng còn là họ của Ngài Đề Thám; Họ của Ngài là Hoàng Hoa. Câu "Ai biết chăng?" là một gợi ý liên tưởng - muốn biết thì phải "Thám". Đây chính là tên ngài. Theo cái nhìn chủ quan của tôi thì bài thơ này chuyển tải một nội dung bí ẩn là: Đây là nơi yên nghỉ cuối cùng của người Yên Thế là Hoàng Hoa Thám. 




Nhận xét